Đang online: 6  |   Hôm qua: 1844  |   Lượt truy cập: 1734190
vi  en
Trang chủ > Chia sẻ > Trao đổi - Nghiên cứu
Trao đổi - Nghiên cứu

MƯỜI ĐIỀU DOANH NGHIỆP CẦN “SOI” LẠI MÌNH

Thạc sĩ Nguyễn Việt Khoa, Giám đốc trung tâm tư vấn và bồi dưỡng pháp luật kinh doanh Trường Đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay gần như trong bất cứ hội nghị, hội thảo nào về doanh nghiệp chúng ta đều thấy các doanh nghiệp kêu ca rằng họ gặp vô vàng khó khăn, từ vấn đề về vốn, hàng tồn kho, lãi suất ngân hàng, thủ tục hành chính, thuế, họ đỗ trách nhiệm điều hành chính sách cho nhà nước. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng ngoài những khó khăn từ tình hình chung của thế giới, điều hành kinh tế vĩ mô của nhà nước cũng có một khó khăn không nhỏ do chính doanh nghiệp gây ra. Do đó, chúng tôi cho rằng, doanh nghiệp cần “soi” lại mình trước khi đỗ hết trách nhiệm cho nhà nước. Sau đây là mười điều suy ngẫm:

1.      Hầu hết các doanh nghiệp tham gia kinh doanh mà chưa chuẩn bị đủ vốn, kiến thức, kinh nghiệm, năng lực quản lý. Chính giai đoạn khủng hoảng này, doanh nghiệp có thời gian để đánh giá xem trình độ, năng lực, kinh nghiệm quản lý, điều hành của mình còn yếu và thiếu ở lĩnh vực nào để cập nhật và bổ sung thêm. Nhiều người hiện nay kinh doanh theo cảm tính, chạy theo phong trào mà chưa chuẩn bị những kiến thức,  kỹ năng quản lý cơ bản khi kinh doanh

2.       Nhiều doanh nghiệp còn chạy theo cơ hội, lợi ích trước mắt kinh doanh mang lợi nhuận trước mắt. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực mà không chú trọng đến thế mạnh kinh doanh ngành nghề chính của mình. Hiện nay ở nước ta không thể thống kê được có bao nhiêu công ty kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, du lịch, đào tạo, hiện nay có hơn 100 công ty kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán nhưng được mấy công ty kinh doanh có lợi nhuận, còn ngân hàng thì ra đường đâu đâu cũng thấy được các phòng giao dịch, các chi nhánh của ngân hàng, nhưng một vấn đề đặc ra là khách hàng ở đâu ra?

3.      Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng và xem thường quy trình xây dựng, dự báo, đánh giá, ngăn ngừa, hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Vì vậy, khi có vấn đề khủng hoảng hoặc rủi ro thì  họ sẽ không biết xử lý như thế nào? có khi chỉ một trục trặc nhỏ mà phải tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dựa vào một hoặc một vài cá nhân, do đó khi cá nhân đó gặp vấn đề thì xem như doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động.

4.      Tính sáng tạo, đột phá vào những lĩnh vực kinh doanh mới rất hạn chế. Doanh nghiệp kinh doanh theo lối mòn, doanh nghiệp đi trước kinh doanh lĩnh vực nào thành công thì doanh nghiệp thành lập sau sẽ chạy theo lĩnh vực đó mà không đánh giá được đến giai đoạn nào đó sẽ dẫn đến bảo hòa. Nói cách khác, doanh nghiệp không muốn đột phá vào những lĩnh vực mới. Điều này, khác với những doanh nhân khác trên thế giới, họ chấp nhận đi vào lĩnh vực mới, điều này có thể thành công cũng có thể thất bại nhưng quan trọng là họ dám làm, dám đột phá.

5.      Nhiều doanh nghiệp chưa đánh giá được mức độ ảnh hưởng của hội nhập kinh tế toàn cầu, chúng ta chỉ thấy được lợi ích của hội nhập nhưng không đánh giá được mặt trái của nó, khi đã hội nhập toàn cầu thì sẽ có hàng hóa nước ngoài vào nước ta với mức thuế suất thấp và tiến đến 0% , mức độ cạnh tranh sẽ khóc liệt hơn,  doanh nghiệp phải biết cắt giảm chi phí, thay đổi công nghệ, nâng cao năng suất sản xuất để có thể cạnh tranh được với hàng hóa của nước ngoài.

6.      Nhiều doanh nghiệp kinh doanh không dựa trên đôi chân của mình mà  dựa trên đôi chân của người khác, điều này thể hiện doanh nghiệp thực hiện việc kinh doanh vựa quá nhiều vào ngân hàng, nên khi ngân hàng tăng lãi suất hoặc gặp vấn đề thì doanh nghiệp ắt sẽ gặp khó khăn. Trên thế giới họ một doanh nghiệp muốn đầu tư một dự án tốn 10 đồng thì họ phải có ít nhất là 7, 8 đồng, còn tại nước ta, nhiều doanh nghiệp đầu tư 10 đồng nhưng đi vay hết 8, 9 đồng? như vậy không lệ thuộc vào ngân hàng sao được? bản thân các ngân hàng thương mại họ cũng là một doanh nghiệp thì họ cũng phải lo cho bản thân mình trước khi lo cho người khác.

7.      Một bộ phận không nhỏ doanh nhân,  doanh nghiệp nước ta tiêu xài cá nhân một cách phung phí dẫn đến không cân đối thu chi. Rất nhiều doanh nhân sử dụng xe ô tô đắt tiền, vào những nơi sang trọng rất phung phí, đặc biệt là phong trào xài sang, đồ hiệu. Các buổi hợp tác làm ăn vẫn còn diễn ra trên bàn nhậu, và thông thường sự thành công cho một thương vụ cũng được kết thúc trên bàn nhậu, điều này khác với những doanh nhân nước ngoài, họ có ăn nhậu như chúng ta đâu mà vẫn có thể kinh doanh được, nhiều doanh nhân Việt Nam vui cũng nhậu mà buồn cũng nhậu. Điều này có thể chứng minh qua số lượng tiêu thụ bia của Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á giữ một trong những vị trí cao nhất  thế giới.

8.      Các Trường đại học Việt Nam hiện nay dạy cho doanh nhân nước ta cách nào để thành công chứ không dạy họ học về thất bại và cách để chấp nhận thất bại hoặc nếu gặp thất bại thì sẽ đối phó ra sao? Người ta chỉ đưa ra những tấm gương doanh nhân thành công gần như không thấy họ phân tích những trường hợp kinh doanh bị thất bại.

9.      Nhiều doanh nghiệp kinh doanh chỉ dựa vào kẻ hở pháp luật, lợi dụng  chính sách của nhà nước không rõ ràng để trục lợi như lãi suất, chính sách ưu đãi về thuế, đất của nhà nước nhưng khi chính sách đã thay đổi,  lỗ hỏng không còn lợi dụng được nữa thì ắt sẽ hết đường làm ăn.

10. Nhiều doanh nghiệp chậm cải tiến về công nghệ, năng lực quản lý hợp tác, không biết dừng và thay đổi đúng lúc hoặc không chấp nhận chia sẽ, hợp tác với những doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả hiện nay đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chậm hợp tác mở rộng thị trường mới từ các nước khác. Trong giai đoạn hiện nay vẫn có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn hoạt động có hiệu quả, tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, thị trường nước ngoài vẫn còn rộng cửa. Tại sao chúng ta không hành động trước khi điều đó đã quá muộn?

Khó khăn, khủng hoảng vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp nào biết vượt qua thử thách. Thương trường là chiến trường, chiến trường chỉ dành cho những người biết đứng lên khi vấp ngã. Chúng tôi tin tưởng rằng sắp tới với sự điều hành chính sách hợp lý từ các cơ quan nhà nước, các doanh nhân Việt Nam với bản tính cần cừu, ham học hỏi, mức độ chịu đựng tốt sẽ chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thạc sĩ Nguyễn Việt Khoa, Giám đốc trung tâm tư vấn và bồi dưỡng pháp luật kinh doanh Trường Đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Hệ thống đang xử lý. Vui lòng đợi!